Phòng ngủ trẻ con gì mà lạnh ngắt, điên à!?!! Hay cơ chế thải nhiệt, tích nhiệt ở người – Thermoregulation.
Có bao giờ bạn tự hỏi: Người mình cũng 37 độ mà sao hôm nào trời nóng 37 độ là tôi muốn xỉu hả giời???? Tại sao, ôi tại sao bọn Tây lông ngồi trong tòa nhà của Tổ chức Y tế Thế giới W.H.O lại đưa ra cái lời khuyên oái oăm duy trì nhà ở, công sở, bệnh viện và trung tâm thương mại ở mức nhiệt độ 18-20 làm mỗi lần tôi đi họp ở Singapore tôi lại phải mang thêm 10 cái áo len???? Bạn có bao giờ hỏi tại sao cứ vào trung tâm thương mại nào man mát, bạn lại mua sắm nhiều, ít dừng lại để ăn uống và tiểu tiện, não bộ thư thái không mướt mải và khó chịu; mà nếu có ăn sẽ ăn được nhiều và thẩy thoải mái hơn? Tại sao cứ đi ngoài đường về nóng, uống cốc bia đầu tiên lại thấy nó ngon và nó mát hơn 10 cốc bia phía sau???? Hiện tượng đó được giải thích bằng hiện tượng thải nhiệt. Và đọc đến cuối bài, bạn sẽ hiểu tại sao Tây lông lại khuyên KHÔNG BAO GIỜ NÊN ĐỘI MŨI CHO CON khi sống trong môi trường TRÊN 16 độ C nhé:
Thải nhiêt/Thu nhiệt – THEMOREGULATION:
Một vài điều có thể bạn chưa biết về đặc điểm sinh học của loài người.
Khác với các động vật biến nhiệt: động vật có thân nhiệt thay đổi theo môi trường sống (thường là loài lưỡng cư với kích thước não bộ và tim rất nhỏ), thì loài người chúng là lại nằm trong nhóm động vật hằng nhiệt.
Thân nhiệt của chúng ta giao động trong một khoảng hẹp 36,5-37,5 °C và hoàn toàn không giống với nhiệt độ môi trường.
Cơ thể chúng là như là một bộ máy liên tục sản sinh ra nhiệt như một chiếc bóng đèn 100w khi tĩnh và 130watt nếu có vận động nhẹ, và chiếc bóng đèn này luôn bật đêm ngày. Việc tiêu hóa, trao đổi chất, cử động, ma sát và sản sinh năng lượng vận động cho đến sản sinh hormone, rụng trứng cũng là những hoạt động liên tục tạo ra nhiệt phía bên trong cơ thể mỗi người,. Không những thế, da của chúng ta lại hấp thụ nhiệt từ ánh sáng mặt trời vào bên trong cơ thể nữa! Và như một chiếc máy tính, để vận hành và hoạt động, bộ máy sẽ tạo ra nhiệt, hay chiếc bóng đèn bật suốt ngày đêm: chúng nóng lên. Khi cơ thể tự tạo ra nhiệt và sức nóng này không được giải tỏa để thân nhiệt giảm ở mức bình thường (36.5-37.5 °C) hay nói cách khác khi không được thoát nhiệt, cơ thể nóng lên ở mốc trên 37 độ: bạn phát sốt, rối loạn chuyển hóa và có thể dẫn đến trụy tim, suy hô hấp và tử vong —> chúng ta sẽ tự nấu chín mình từ bên trong; nó tương tự như một chiếc CPU hỏng quạt và bị cháy máy vậy!
Do đó: cơ thể chúng ta luôn luôn CẦN thực hiện quá trình tỏa nhiệt ra môi trường. Chỉ có thông qua tỏa nhiệt và cân bằng trong tỏa nhiệt mà chúng ta mới cảm thấy dễ chịu, thoải mái và duy trì sự sống.
Nhiệt độ lý tưởng để loài người sống, vận động và tồn tại một cách thoải mái là 22-25 độ C. Trên ngưỡng này, mức tỏa nhiệt của cơ thể giảm đi tính hiệu quả. Tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới đưa ra mức nhiệt độ phòng (cho công sở và gia đình) với người lớn khỏe mạnh là 18 độ C, với nơi có người bị các vấn đề hô hấp hoặc dị ứng, nhiệt độ phòng không được hạ dưới 16 độ và ở những nơi có người ốm, người tàn tật, trẻ rất nhỏ hoặc người già thì nhiệt độ phòng từ 20 độ C. (link cuối bài)
Vận động, sự dẻo dai của cơ thể ở các thềm nhiệt độ môi trường khác nhau cũng tạo nên sức ép cho tim và hệ tuần hoàn cũng như thân nhiệt rất khác nhau. Những nghiên cứu về trao đổi nhiệt của cơ thể người với môi trường đã quan sát và đo đạc các yếu tố nội tại của một vận động viên chạy 30 phút trong môi trường nóng ẩm, thân nhiệt của anh tăng từ 37 lên 41 độ C với nhịp tim tăng lên đến 200 nhịp/phút. Ngược lại, khi chạy trong môi trường mát mẻ hơn, sau cùng quãng đường chạy thì thân nhiệt của anh chỉ tăng đến 39 độ và nhịp tim ở mức 154 nhịp/phút.
Vận động khi môi trường quá nóng có thể gây tăng thân nhiệt quá mức, tăng nhịp tim, rối loạn tuần hoàn và chuyển hóa và có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng.
Tuổi tác, giới tính, thời điểm trong ngay cũng có thể làm thay đổi tốc độ trao đổi chất, đốt cháy năng lượng cho cơ thể, do đó cũng làm thay đổi nhu cầu thoát nhiệt và cảm giác nóng lạnh của mỗi người. Người già, trao đổi chất chậm thì cảm nhận về nhiệt độ và nhu cần tỏa nhiệt sẽ ít hơn rất nhiều so với trẻ em là đối tượng có tốc độ trao đổi chất và vận động liên tục và với tốc độ chóng mặt.
Thói quen và sự thích nghi đối với môi trường sống cũng làm con người thay đổi cách trao đổi chất và thoát nhiệt: một người mới vào môi trường 16 độ thì sẽ cảm thấy rất mát và dễ chịu, nhưng sau một thời gian ngắn cơ thể mất nhiệt nhanh thì sẽ cảm thấy hơi lạnh. Trạng thái cơ thể, hormone cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thải nhiệt thừa này.
Khi không thoát nhiệt hiệu quả và cơ thể bị quá nóng, loài người sẽ xảy ra hiện tượng sốc nóng bao gồm sốt, nôn, mệt mỏi, đau đầu chóng mặt, giảm huyết áp, không thể tiết mồ hôi, người nóng đỏ, bất tỉnh và có thể tử vong. Ở Mỹ, 52 người đã tử vong khi nhiệt độ ngoài trời tăng ở mức 37 độ. Một nghiên cứu khác cho thấy trẻ em có tăng thân nhiệt nhanh gấp 3 lần người lớn khi được vận động, nhưng thêm vào đó tuyến mồ hôi của trẻ chưa thực sự hiệu quả làm cho việc thoát nhiệt ở trẻ càng trở nên khó khăn hơn, do đó trẻ ra rất nhiều mồ hôi mà vẫn bị nóng, trong khi người lớn vẫn cảm thấy bình thường.
Trẻ em: tuần hoàn nhanh, tạo ra nhiều nhiệt thừa nhưng lại có hệ thống thải nhiệt chưa hiệu quả. Đây chính là lí do cơ bản nhất mà lời khuyên của rất nhiều tổ chức y tế danh tiếng cũng như của chính phủ các nước phát triển về nhiệt độ phòng của trẻ em: “Nhiệt độ phòng cho bé ở mốc 18-20 độ, thấp hơn so với nhiệt độ phòng cơ bản dành cho hộ gia đình, công sở và công trình công công – lời khuyên từ WHO (20-22 độ C).

Con người bỏ nhiệt lượng thừa bằng cách nào?
- Thải nhiệt qua bức xạ: Da có ý nghĩa vô cùng quan trọng trọng loại bỏ nhiệt thừa ở người. Trung bình bề mặt da có nhiệt độ thấp hơn nhiệt độ cơ thể đến 10 độ C và sự tản nhiệt là không đều: có những vùng da sờ rất mát và những vùng da ít được để thoáng nên nóng hơn. Những người da mát thực thế là tản và đào thải nhiệt hiệu quả. Nhiệt độ môi trường để da tản nhiệt hiệu quả nhất mà không làm tăng gánh nặng cho tuần hoàn và bài tiết là 22-25 độ C, lúc này nhiệt độ môi trường thấp hơn nhiệt độ của da, và tản nhiệt tự nhiên thực hiện chậm, dễ dàng, không tạo sức ép tuần hoàn và thần kinh, người không ra mồ hôi, do đó con người cảm thấy dễ chịu: thải nhiệt qua da đã đủ để cơ thể mát và vận hành bình thường. Thải nhiệt qua da được thực hiện thông qua lưu thông nhiều mạch máu dưới da, những mạch này mang nhiệt cần thải đi và tiếp nhận nhiệt độ lạnh từ môi trường vào để điều hòa thân nhiệt. Trẻ em khác với người lớn, việc thải nhiệt qua da còn rất hạn chế mà chủ yếu thải nhiệt qua các mạch máu dưới da đầu. Vì thế không nên đội mũ cho trẻ khi nhiệt độ trên 16 độ C, nhằm không làm cản trở trở nơi thải nhiệt duy nhất này của bé.
Ngược lại, khi ở dưới ánh nắng, bức xạ cũng có thể làm cơ thể tiếp nhận nhiệt và làm cơ thể ấm/nóng lên. Vì thế, khi trời quá nóng, hạn chế cho trẻ ra nắng.
- Thải nhiệt qua luân chuyển không khí: Việc không khí luân chuyển nhanh (gió) ở môi trường nhiệt độ bên ngoài thấp hơn mức nhiệt độ cơ thể có thể giúp cơ thể đào thải nhiệt thừa. Ngược lại gió lạnh cũng lấy đi nhiệt của cơ thể trong mùa đông. Để tăng thải/ truyền nhiệt thì mùa nóng ta bật quạt và mặc ít quần áo, mà mùa đông lạnh thì ta mặc nhiều quần áo để giảm tiếp xúc không khi luân chuyển, đóng cửa và ở nơi ít/kín gió.
- Thải nhiệt qua truyền nhiệt: Khi ta thở ra khí là khí nóng, hít vào là nhiệt độ môi trường. Nếu môi trường lạnh sẽ giúp ta dễ dàng thải nhiệt, ngược lại nếu khi nóng thì nhiều người cảm giác như tắc thở. Những ngày nhiệt độ dễ chịu: 18-22 độ, việc hít một hơi sâu giúp thải nhiệt tốt và con người cảm thấy sảng khoái, não bộ thư thái vô cùng. Tương tự, khi uống nước cũng là một cách thay đổi thân nhiệt: khi ta lạnh thì uống nước ấm, khi nóng uống nước lạnh cũng làm thay đổi thân nhiệt. Một cách khác mà cơ thể tiếp xúc với chất liệu truyền nhiệt, người nằm dưới mặt phẳng lạnh lâu, thoát nhiệt qua mặt phẳng này nhanh hơn qua không khí: những người nằm nền nhà thấy rất mát vì thải nhiệt rất nhanh. Trong các cách thải nhiệt, thải nhiệt qua không khi là chậm nhất – sau đó là chất lỏng và nhanh nhất là tiếp xúc với chất rắn. Đây là lý do miếng dán truyền nhiệt khi sốt có tác dụng hơn rất nhiều so với việc chỉ lau người bằng nước.
- Thải nhiệt qua tiết mồ hôi + bốc hơi: Khi ta quá nóng hoặc quá lạnh thì các cơ quan xúc giác đưa tín hiệu đến vùng dưới đồi (hypothalamus) trong não để ra tín hiệu cho cơ thể thực hiện quá trình toát mồ hôi thải nhiệt. Do chất lỏng (mồ hôi) truyền nhiệt tốt hơn không khí, nên quá trình truyền nhiệt này sẽ nhanh và mạnh hơn. Khi cơ thể tiết mồ hôi: trao đồi chất tăng, nhịp tim nhanh hơn do đó cơ thể cũng phát ra nhiệt nhiều hơn. Nếu nhiệt thoát ra từ tiết mồ hôi nhiều hơn nhiệt tự tạo từ quá trình tăng tốc cơ thể tiết mồ hôi: cơ thể sẽ hạ nhiệt. Nếu không khí ẩm, hoặc chênh lệch nhiệt độ cơ thể và môi trường ở ngưỡng không hiệu quả (nhiệt độ môi trường trên 29 độ), cơ thể tiếp tục tiết mồ hôi liên tục mà không làm giảm thân nhiệt, cơ thể sẽ rơi vào tình trạng mất nước và sốc nhiệt (heat-stroke). Heat-stroke là hiện tượng khi bị tiếp cận với môi trường quá nóng và việc tiết mồ hôi bị quá tải và không làm giảm được nhiệt độ cơ thể. Hậu quả trước mắt là mất nước, sốt, nóng đỏ mặt, đau đầu, chóng mặt, nôn mửa, nghiêm trọng có thể ngất xỉu, mất ý thức, mất kiểm soát và tử vong. Ngoài ra, độ ẩm không khí cũng ảnh hưởng đáng kể đến truyền nhiệt. Trong môi trường ẩm, không khí đã đầy nước nên việc bốc hơi của mồ hôi bị chậm lại hoặc cản trở: do đó việc thải nhiệt sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với môi trường cùng nhiệt độ nhưng độ ẩm thấp hơn (mồ hôi bốc hơi được dễ dàng): đó là nguyên nhân tại sao cùng nóng 35 độ, ở châu Âu vẫn dễ chịu hơn ở Đông Nam á nóng ẩm.
Khác với người lớn có nhiều cách để loại bỏ nhiệt thừa, trẻ sơ sinh có rất nhiều đặc điểm sinh học và sinh lý khác biệt. Ở trẻ sơ sinh thì phần đầu bé sản sinh ra đến 40% tổng lượng nhiệt, thế nhưng lại đóng vai trò đào thải đến 80% nhiệt của cả cơ thể ra môi trường cũng nằm ở phần đầu. Điều này có nghĩa là khi đầu bé được che phủ kín, chúng ra đang ngăn cản đường thoát nhiệt của không chỉ một phần diện tích nhỏ, thức tế chúng ra hầu như đã cản sự thoát nhiệt của toàn bộ cơ thể thông qua việc che đầu! Ở mốc 2-3 tháng, khi tốc độ trao đổi chất của trẻ nhanh mạnh nhất, trẻ sản sinh ra nhiều nhiệt thừa nhất và cũng là lúc mà nguy cơ bị ủ quá nóng đặc biệt ở các gia đình duy trì nhiệt độ phòng cao hơn 25 độ cận kề. Hậu quả nhãn tiền là trẻ quấy khóc, khó thoát nhiệt, ăn kém và mệt mỏi hơn (do cơ thể vừa nỗ lực để đào thải nhiệt thừa, nhưng đồng thời việc nỗ lực này lại càng làm tăng nhịp tim, tuần hoàn và trao đổi chất, càng làm nóng và do đó dẫn đến hiện tượng bế tắc thừa nhiệt mà không thoát được). Nên nhớ, theo tiêu chuẩn phòng bệnh thì phòng 25 độ được coi là PHÒNG ẤM, dành cho các em bé bị lạnh chứ không phải dành cho các em bé có thân nhiệt và trao đổi nhiệt ở mốc bình thường. Mốc 2-3 tháng tuổi chính là lúc trẻ dễ bị sức ép vì không thoát được nhiệt nhiều nhất ở trẻ sơ sinh.